Thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố là kỳ thi đánh giá, xếp loại học sinh khá, giỏi, tìm kiếm những tài năng trong một môn học cụ thể để bồi dưỡng năng lực học sinh. Thi học sinh giỏi văn lớp 8 cấp tỉnh thành phố là tiền đề để chọn lọc các học sinh xuất sắc tham gia cuộc thi chọn học sinh giỏi lớp 9.
Một số dạng đề thi học sinh giỏi văn lớp 8 cấp tỉnh thành phố
Trong những năm qua, đề thi học sinh giỏi văn lớp 8 cấp tỉnh thành phố chủ yếu có cấu trúc như sau, mời các bạn cùng tham khảo:
Câu hỏi nhận biết (2 điểm): Xác định và phân tích cái hay, cái đẹp, ý nghĩa, … của biện pháp tu từ hoặc thủ pháp nghệ thuật nào đó trong một đoạn văn, đoạn thơ.
Câu hỏi vận dụng – Nghị luận xã hội (3 điểm): Từ nội dung của đoạn văn, đoạn thơ ở câu 1 mà yêu cầu học sinh viết 1 bài văn nghị luận xã hội bày tỏ quan điểm, suy nghĩ về vấn đề nêu ra trong đó.
Câu hỏi vận dụng cao – Lý luận văn học (5 điểm): Nêu cảm nhận, bình luận về một câu nói, một ý kiến, một hình tượng văn học qua một hoặc một nhóm tác phẩm trong chương trình.
So với đề thi thành phố, đề thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh có cấu trúc tương tự (hoặc chỉ có 2 câu là câu nghị luận xã hội và câu lý luận văn học) nhưng độ khó cao hơn, yêu cầu thông hiểu và vận dụng ở mức sâu hơn.
Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn một số đề thi học sinh giỏi văn lớp 8 cấp tỉnh thành phố:
Nhìn vào 2 đề học sinh giỏi văn trên, chúng ta có thể thấy các câu hỏi chỉ chủ yếu xoay quanh kiến thức đã học trong chương trình Ngữ văn lớp 8 như các biện pháp tu từ trong Tiếng Việt, các văn bản truyện, thơ, …
Phần nghị luận xã hội thường hỏi về các nhân vật đời thường hoặc một câu nói, một bản tin, một mẩu chuyện, … truyền cảm hứng, có ý nghĩa hay đơn giản là đề cập đến một vấn đề nóng hổi trong đời sống xã hội, một tin tức đang được dư luận quan tâm, … để học sinh nêu ý kiến, quan điểm của mình.
Chữa đề thi học sinh giỏi văn lớp 8 thành phố Bắc Giang năm học 2016 – 2017
Câu 1: (4,0 điểm)
a) Tìm các từ cùng một trường từ vựng trong câu văn sau và nêu tác dụng của việc sử dụng các từ cùng trường từ vựng đó:
Cuống lá còn giữ màu xanh sẫm, nhưng chỉ với rìa là hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa, chiếc lá vẫn dũng cảm treo bám vào cành cách mặt đất chừng hai mươi bộ (trích Chiếc lá cuối cùng – O. Hen-ri).
Trả lời:
Các từ cùng trường từ vựng trong câu văn là:
- màu xanh sẫm, màu vàng úa: trường từ vựng chỉ màu sắc.
- cuống lá, rìa lá, chiếc lá: trường từ vựng chỉ các bộ phận của lá.
Tác dụng: làm cho câu văn giàu hình ảnh, tăng sức gợi hình, tạo sức hút sinh động cho sự diễn đạt…
b) Nêu ý nghĩa của hình tượng “chiếc lá” trong đoạn văn trên.
Trả lời:
Hình tượng chiếc lá tượng trưng cho hy vọng và sức sống mãnh liệt của con người mà tác giả O.Hen-ri muốn gửi gắm. Dù cuộc sống có khó khăn, thử thách đến đâu, chúng ta vẫn phải không ngừng “xanh”, không ngừng cố gắng để vượt lên trên hoàn cảnh, để biết cuộc sống còn rất nhiều điều tuyệt vời.
Câu 2: (6,0 điểm)
Nhân Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội năm 2010, Giáo sư văn hoá Vũ Khiêu đã phát biểu: “Để giàu sang, một người có thể chỉ mất vài ba năm, nhưng để trở thành người có văn hóa có thể phải mất hàng chục năm, có khi cả cuộc đời.”
Hãy trình bày những suy nghĩ của em về lời phát biểu trên.
Gợi ý:
Trước hết, học sinh phải giải thích ý nghĩa của từng vế trong câu nói.
- giàu sang là gì?
- người giàu sang là gì?
- văn hoá là gì?
- người có văn hoá là gì?
- vài ba năm, hàng chục năm, cả cuộc đời có ý nghĩa gì? …
Sau đó giải nghĩa cả câu nói và nêu suy nghĩ, quan điểm cá nhân của mình về giá trị to lớn và bền lâu của văn hoá.
Để đạt điểm cao, học sinh nên thêm phần phản biện, lật lại vấn đề để bài viết được sâu hơn: Nếu như … thì … , Nếu không … thì …
Câu 3: (10,0 điểm)
Nhà văn Pháp A-na-tô-li Phơ-răng đã từng nói: “Đọc một câu thơ nghĩa là ta đã gặp gỡ một tâm hồn con người.”
Hiểu câu nói trên thế nào là đúng?
Từ đó hãy chia sẻ cảm nhận của em về vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ cộng sản qua hai bài thơ: Ngắm trăng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khi con tu hú của Tố Hữu.
Phân tích đề bài:
Đề bài trên cho một câu nói nổi tiếng của một nhà văn Pháp và đưa ra 2 yêu cầu:
- Đọc – hiểu
- Vận dụng
Khi đi thi, học sinh cần phải chú ý gạch chân vào các từ ngữ quan trọng trong đề bài như đọc một câu thơ, gặp gỡ một tâm hồn con người, vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ cộng sản… để hiểu ý nghĩa của câu nói này, từ đó có sự liên hệ đến hình tượng của những người chiến sĩ cộng sản trong hai bài thơ trên với vẻ đẹp tâm hồn luôn hướng về quê hương, hướng tới thiên nhiên, hòa mình vào ánh trăng, vào tiếng chim gọi bầy mùa hạ, … dù ở trong hoàn cảnh rất trớ trêu là đang đứng trong song sắt nhà tù. Họ bị giam cầm về thể chất nhưng không hề bị giam cầm về tâm hồn.
Trên đây là một số gợi ý về đề thi học sinh giỏi văn lớp 8 cấp tỉnh thành phố. Rất mong nhận được sự góp ý và chia sẻ nhiều hơn từ các bạn!