Xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của con người cũng ngày càng được cải thiện. Thế nhưng vẫn còn nhiều tồn tại trong công cuộc phát triển đất nước, đồng bào ta ở nhiều vùng sâu vùng xa thậm chí còn chưa biết đến điện, những hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại trong cuộc sống người dân; hay khi công nghệ thông tin phát triển tuy giúp mọi người dễ dàng liên lạc với nhau nhưng lại kéo dài khoảng cách giữa các thế hệ, tôi cho rằng đó như một “bước lùi” trong văn hóa của người Việt. Những năm gần đây, những nỗ lực không ngừng của nhà nước và cả người dân đã góp phần xây dựng nếp sống văn hóa ở cộng đồng dân cư.
Giữ gìn an ninh trật tự và quan tâm tới đời sống người dân là mấu chốt trong góp phần xây dựng nếp sống văn hóa ở cộng đồng dân cư
Muốn góp phần xây dựng nếp sống văn hóa ở cộng đồng dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân an cư lạc nghiệp, trước hết phải đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương. Một số biện pháp được áp dụng và mang lại hiệu quả như:
- Các ban ngành tăng cường huấn luyện, đào tạo lượng công an có nghiệp vụ tốt, có tri thức, đủ phẩm chất đạo đức, nắm vững các quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó dễ dàng xử lý bất kì trường hợp gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
- Tuyên truyền cho người dân về pháp luật, các loại tội phạm, các thủ đoạn, hướng dẫn người dân ứng phó, khai báo kịp thời khi có tình huống xảy ra.
- Tổ chức các chương trình trao tặng quà, xây dựng quỹ hỗ trợ cho người dân vay vốn làm ăn, cải thiện đời sống người dân, xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo cũng là một cách đẩy lùi những hành vi gây mất an ninh trật tự như trộm cắp tài sản.
- Đặt các camera giám sát để kịp thời xử lý cũng như thu thập bằng chứng để xử lý những trường hợp vi phạm.
Chung tay gìn giữ môi trường xanh sạch đẹp
Bảo vệ môi trường vẫn luôn luôn là vấn đề hot. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, mọi người dân cần ý thức được tầm quan trọng của bảo vệ, giữ gìn môi trường xung quanh xanh sạch đẹp, ngăn chặn sự xuất hiện các virus lạ:
- Tích cực tổ chức các buổi lao động tập thể trong quy mô khu phố, xóm, làng. Không những cải thiện không gian sống mà còn giúp gắn kết xóm làng, tinh thần tập thể được nâng cao.
- Lãnh đạo, hội phụ nữ phối hợp với cơ sở y tế tại địa phương thường xuyên nhắc nhở, cung cấp những kiến thức đúng đắn về môi trường như xử lý nguồn nước, diệt muỗi, sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi kiến thức của người dân về môi trường còn hạn chế.
Vun đắp tinh thần đoàn kết
Tình nghĩa xóm làng từ trước đến nay luôn là điều mà người dân Việt Nam vô cùng trân trọng, thế nhưng hiện nay, đặc biệt ở những thành phố lớn có hiện tượng hai nhà sát nhau nhưng có khi chẳng biết mặt nhau. Một số biện pháp của như:
- Tổ chức liên hoan, gặp mặt, giao lưu vào những dịp lễ tết, thắt chặt tình cảm gắn bó của người dân.
- Tổ chức hoạt động cộng đồng như dọn dẹp xóm làng, khen thưởng cho con em có thành tích học tập tốt hay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Giúp người dân gắn kết, giao lưu với nhau nhiều hơn chứ không phải “đóng cửa” của về nghĩa đen và nghĩa bóng.
- Nhưng trên hết, vun đắp tinh thần đoàn kết chủ yếu vẫn phụ thuộc vào ý thức của người dân.
Tích cực tham gia hoạt động phòng chống, đẩy lùi các tệ nạn xã hội
Tệ nạn xã hội như ma túy, đánh bạc luôn là cản trở trong phát triển kinh tế của nhiều gia đình, không ít những trường hợp nhà tan cửa nát. Nhà nước ta luôn có những chính sách ngăn chặn “kẻ thủ ác” này.
- Tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, những người dễ bị sa ngã về tác hại của ma túy, chất kích thích. Răn đe, theo dõi những trường hợp nghi ngờ, tổ chức cai nghiện và giúp những đối tượng này dần hòa nhập trở lại với cộng đồng.
- Hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho người trẻ ở những vùng khó khăn, giúp họ tránh xa những cạm bẫy.
- Kịp thời phát hiện các hành vi đánh bạc bất hợp pháp, cá độ bóng đá
Nỗ lực loại trừ các phong tục tập quán, hủ tục lạc hậu
Những hủ tục lạc hậu như tảo hôn, kết hôn cận huyết, trọng nam khinh nữ, mê tín dị đoan,… vẫn tồn tại nhiều trong đời sống người dân, đặc biệt là những vùng khó khăn, vùng sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, những hủ tục lạc hậu.
- Biện pháp quan trọng nhất để đẩy lùi những hủ tục này là giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và ý thức của chính người dân. Xây dựng các trường học, lớp học vùng cao, vận động người dân đưa con em đến trường, nhất là trẻ em gái, xây dựng cuộc sống ấm no phải bắt đầu từ việc “lấy con chữ” chứ không phải “lấy chồng”.
- Đầu tư phát triển cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các phương tiện thông tin để họ hiểu về tác hại của những hủ tục này.
Lời kết
Việc tìm ra biện pháp góp phần xây dựng nếp sống văn hóa ở cộng đồng dân cư không phải là việc ngày một ngày hai mà là cả một quá trình lâu dài. Chúng ta cùng hy vọng, những chủ trương chính sách đúng đắn của nhà nước và sự ủng hộ của người dân, đất nước sẽ ngày càng văn minh và phát triển.