Văn hóa xếp hàng hiện nay được đề cao và xem như là biểu hiện của trật tự xã hội có kiểm soát. Nó thể hiện hành vi ứng xử văn hóa giữ con người với con người và sự tôn trọng nhau trong cuộc sống. Vậy bạn đã biết văn hóa xếp hàng là gì chưa? Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu với bạn nếp sống được cho là rất đẹp, rất đáng quý này.
Văn hóa xếp hàng là gì? Chúng ta đã từng có văn hóa xếp hàng?
Văn hóa xếp hàng có thể hiểu một cách đơn giản đó là việc bạn giữ trật tự theo hàng, theo lối, có người trước, người sau một cách tuần tự ở nơi công cộng.
Ở nước ta ngày trước, văn hóa xếp hàng đã được hình thành và gần như là một quy định cho toàn xã hội phải thực hiện theo. Đất nước khi ấy mới được giải phóng nên còn nghèo, người dân muốn mua bất cứ cái gì từ những nhu cầu thiết yếu cho đến cái ăn, cái mặc đều phải qua khâu xếp hàng.
Thời ấy người ta dùng tem phiếu để mua đồ, và tất cả đều phải mua hàng ở mậu dịch quốc doanh. Chẳng hạn như khi đi mua gạo, mỗi nhà được cấp cho một cái sổ gạo. Người ta sẽ xếp hàng từ hai, ba giờ sáng để đợi cho đến lượt mình. Khi người đứng trước có việc đi đâu thì họ sẽ đặt ngay chỗ mình một viên gạch, người đứng sau ở lại cho người trước về rồi bảo nhau trước mình có mấy người, cứ như vậy không ai dám nghĩ đến chen lấn chiếm chỗ, chen ngang, xếp hàng. Dù chỉ cần nửa viên gạch cũng chẳng có ai dám bỏ nửa cái viên gạch đó ở trước mình đi.
Xếp hàng không chỉ khi đi mua hàng, mà bất cứ hoạt động nào liên quan đến cộng đồng người ta đều phải xếp hàng. Đi vô rạp xem chiếu phim, xem hát cũng xếp hàng, đi khám bệnh xếp hàng, đi đám cưới hay thậm chí đi vệ sinh cũng xếp hàng vì thời đó, trong những khu tập thể chỉ có một hoặc hai cái nhà vệ sinh mà thôi.
Ở xã hội mà cái gì cũng thiếu thốn, nhưng mà lại hình thành một phẩm chất tốt đẹp ở người xưa, một văn hóa có lẽ hiện nay đã bị lãng quên và bỏ qua. Ở đó, người ta không chỉ tôn trọng nhau trong từng lời ăn, tiếng nói mà người ta còn tôn trọng nhau trong nguyên tắc xếp hàng.
Dù rằng ngay từ lúc nhỏ mới chập chững đến trường, chúng ta đã được dạy phải xếp hàng trật tự bước vào lớp và ngay cả khi ra về. Nhưng có lẽ khi lớn lên theo thời gian, người ta đã dần quên lãng để rồi thay vào đó là những hình ảnh lộn xộn mà bạn thường hay bắt gặp ở những quán ăn, bến xe…
Văn hóa xếp hàng của người Nhật
Dù chưa từng đến đất nước Nhật Bản nhưng những gì nhìn thấy trong các bộ phim hay các phóng sự về đất nước này, điều làm người ta thật sự chú ý là tính kỷ luật, văn minh và lịch sự của người Nhật, mà được thể hiện rõ nhất bằng một hành động tưởng chừng như đơn giản, đó là xếp hàng. Thật sự có lẽ phải nói rằng, không có một quốc gia nào trên thế giới mà văn hóa xếp hàng lại được tôn trọng đến như vậy.
Sự giáo dục từ nhỏ và ý thức cộng đồng
Văn hóa xếp hàng của người Nhật xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau. Cũng như ở đất nước ta, trẻ em Nhật cũng nhận được sự giáo dục về nguyên tắc xếp hàng từ nhỏ, tuy nhiên ở Nhật, đó là một ý thức của toàn cộng đồng và xã hội nên nó liên tục được duy trì và không bị lãng quên. Hằng ngày khi đến trường cũng như đến những nơi công cộng như trạm xe, rạp chiếu phim,… các bạn học sinh luôn được nhắc nhở phải xếp hàng nghiêm chỉnh và trật tự. Các bài học ấy được khuyến khích và nhắc nhở luôn luôn, từ trường học cho đến khi ở cùng với gia đình, vì thế khi lớn lên không có gì lạ là người Nhật vẫn luôn giữ cho mình nếp văn hóa đó cho đến sau này.
Với người Nhật, xếp hàng được cho là một việc đương nhiên, người đến sau sẽ phải đợi người đến trước rồi mới tới lượt mình. Xếp hàng đối với người Nhật chỉ như là một lối sinh hoạt thường ngày nên họ không hề cảm thấy khó chịu, nặng nề mà chỉ xem nó như là một phần của cuộc sống. Khi xếp hàng, họ cởi mở, vui vẻ và thân thiện, nếu xếp hàng quá lâu họ có thể tán gẫu cùng nhau. Qua xếp hàng, ta có thể nhận thấy đức tính kiên nhẫn ở người Nhật, đó là đức tính quý báu mà nên có ở bất cứ con người nào.
Văn hóa xếp hàng như là một ý thức ăn sâu vào trong tâm tiềm thức của người Nhật. Từ những người cao tuổi cho đến trẻ em, khi đến đâu họ cũng điều ngầm hiểu với nhau là phải xếp hàng. Chờ đợi đối với người Nhật không phải là việc xa lạ, và họ tuân thủ nó ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất. Còn nhớ vài năm trước, khi nước Nhật xảy ra trận động đất kinh hoàng đã phá hủy hàng nghìn phương tiện đi lại và họ phải di chuyển bằng xe buýt. Họ đứng xếp hàng và chờ đợi những chuyến xe buýt không biết có đến lượt mình hay không? Tuy nhiên không một ai trong họ chen lấn hay kêu ca mà vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Chính điều này đã làm cho cả thế giới phải kinh ngạc? Thử hỏi một đất nước như thế, với con người như thế thì đó sẽ là một đất nước thế nào?
Ý nghĩa của việc xếp hàng đối với người Nhật và chúng ta có thể học hỏi những gì?
Xếp hàng thể hiện sự bình đẳng của con người với nhau. Người Nhật luôn có những quy tắc cố định trong cuộc sống và xếp hàng cũng là một trong những nguyên tắc được tôn trọng đó. Đối với họ, chen lấn là một hành vi không được phép và thiếu nhã nhặn. Người Nhật luôn hòa nhã với nhau và chỉ có hòa nhã mới có thể công bằng được.
Xếp hàng còn thể hiện sự ngăn nắp và nghiêm chỉnh. Lộn xộn là điều không được phép xảy ra ở đây và ngay cả trong lối sống của người Nhật. Họ không chỉ xếp hàng ngay ngắn mà từ việc sắp xếp nhà cửa cho đến quần áo, cách ăn mặc cũng đều rất tươm tất và lịch sự.
Qua việc giới thiệu văn hóa xếp hàng là gì? và những thông tin mà mình chia sẻ, có thể nhận thấy xếp hàng là một nguyên tắc không thiếu khi sống trong một cộng đồng hay một xã hội. Nó thể hiện ý thức và sự tôn trọng của mình đối với những người xung quanh. Tuy nhiên, xếp hàng phải trở thành một cách sống, nó phải đi sâu vào trong tiềm thức mỗi người và được thực hiện hằng ngày chứ không chỉ là những hành động mang tính nhất thời, chỉ xảy ra trong một cộng đồng hay nhóm nhỏ nào đó, bạn nhỉ?